THỪA KẾ LÀ GÌ? PHÂN LOẠI VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA QUYỀN THỪA KẾ NĂM 2024

Công ty Luật Xuân Trí xin chào quý độc giả, bằng bài viết này Công ty xin gửi đến quý độc giả về những nội dung về thừa kế. Kính mời quý độc giả xem qua.

Khái niệm về thừa kế

Thừa kế là một vấn đề được xem là phổ biến và luôn tồn tại suốt quá trình phát triển của lịch sử loài người. Xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng tạo ra được nhiều của cải vật chất hơn dẫn đến việc tài sản thừa kế ngày càng nhiều. Điều này đã khiến cho mọi người quan tâm hơn nữa về vấn đề thừa kế. Mọi người chỉ biết rằng vấn đề này đã xuất hiện từ rất lâu về trước, từ thời sơ khai của xã hội loài người. Nghiên cứu về thừa kế, Ph.Ăngghen viết: “Theo chế độ mẫu quyền, nghĩa là chừng nào mà huyết tộc chi kế về bên mẹ và theo tập tục thừa kế nguyên thủy trong thị tộc mới được thừa kế những người trong thị tộc chết. Tài sản phải để lại trong thị tộc, vì tài sản để lại không có giá trị lớn, nên lâu nay trong thực tiễn có lẽ người ta vẫn trao tài sản đó cho những bà con thân thích nhất, nghĩa là trao cho những người cùng huyết tộc với mẹ” [Nguyễn Bằng Tường (2010), Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và nhà nước của  Ph.Ăngghen, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, tr.79].

Hiện nay, khi nói về quyền thừa kế thì mọi người có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Nhưng chung quy lại có thể hiểu theo hai nghĩa chính.

Theo nghĩa rộng, quyền thừa kế là pháp luật về thừa kế, là tổng hợp các quy phạm pháp luật quy định trình tự dịch chuyển tài sản của người chết cho những người còn sống. Thừa kế là một chế định pháp luật dân sự, là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh việc dịch chuyển tài sản của người chết cho người khác theo di chúc hoặc theo một trình tự nhất định đồng thời quy định phạm vi quyền, nghĩa vụ và phương thức bảo vệ các quyền và nghĩa vụ của người thừa kế [Đinh Văn Thanh, Nguyễn Minh Tuấn (2018), Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam tập 1, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội, tr 288].

Theo một nghĩa khác, quyền thừa kế có thể được hiểu là quyền của người để lại di sản và quyền cảu người nhận di sản. Xét trên thực tế, các quyền này phải được hợp pháp, phù hợp với các quy định của pháp luật về thừa kế và các pháp luật liên quan khác.

Phân loại quyền thừa kế

Pháp luật Việt Nam dựa trên các đặc điểm của trường hợp thừa kế mà chia quyền thừa kế ra thành hai loại: Thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.

Thừa kế theo di chúc có thể được hiểu là: “Thừa kế”: là sự dịch chuyển tài sản của người đã chết cho người còn sống, tài sản để lại gọi là di sản. Còn về “ Di chúc”: là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết [Điều 624 BLDS 2015]. Từ các vấn đề trên ta có thể dễ dàng hiểu được “Thừa kế theo di chúc”: là việc chuyển dịch tài sản của người chết cho người còn sống theo ý chí cá nhân của người đó khi họ còn sống thông qua bản di chúc mà người chết để lại.

Thừa kế theo pháp luật được quy định cụ thể tại Điều 649 BLDS 2015: “Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định”. Điều 651 BLDS 2015 quy định cụ thể bao gồm ba hàng thừa kế:

+ Hàng thừa kế thứ nhất: bao gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

+ Hàng thừa kế thứ hai: bao gồm ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại. + Hàng thừa kế thứ ba: bao gồm cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Đặc điểm của quyền thừa kế

Khi xem xét tổng thể về các quy định liên quan đến thừa kế theo pháp luật và thực tiễn về việc áp dụng các quy định trên có thể thấy được các đặc điểm nổi bật:

Thứ nhất,  thừa kế theo pháp luật là một mối quan hệ pháp luật dân sự. Thừa kế theo pháp luật luôn gắn với quan hệ tài sản, gắn với sự chuyển dịch tài sản từ chủ thể này sang chủ thể khác. Sự chuyển dịch này được nhà nước đảm bảo thông qua các quy định cụ thể trong BLDS 2015. Do vậy có thể nói thừa kế theo pháp luật là một mối quan hệ pháp luật dân sự.

Thứ hai, điều kiện và trình tự thủ tục do pháp luật dân sự quy định. Bản chất của thừa kế theo pháp luật là một mối quan hệ dân sự giữa các cá nhân. Khi giải quyết các vấn đề pháp lý đòi hỏi phải tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan. Mọi vấn đề liên quan của thừa kế đều được pháp luật về dân sự quy định chặt chẽ, cụ thể. Do vậy, tất cả các điều kiện và trình tự thủ tục giải quyết thừa kế theo pháp luật do pháp luật dân sự quy định.

Thứ ba, thừa kế theo pháp luật chỉ diễn ra khi người để lại di sản chết hoặc bị Tòa án tuyên bố chết .Căn cứ theo Khoản 1 Điều 611 BLDS 2015 quy định về thời điểm mở thừa kế là khi người có tài sản chết hoặc do Tòa án tuyên bố chết. Điều này có nghĩa rằng thời điểm phát sinh quan hệ thừa kế sẽ trùng với thời điểm mở thừa kế.

Thứ tư, thừa kế theo pháp luật phát sinh khi không có di chúc, di chúc không hợp pháp hoặc trong trường hợp khác. Thừa kế theo pháp luật là việc phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật. Quy định này được cụ thể hóa tại Khoản 1 Điều 650 BLDS 2015 về các trường hợp thừa kế được áp dụng khi không có di chúc, di chúc không hợp pháp hoặc các trường hợp liên quan khác. Do vậy, nếu quan hệ thừa kế phát sinh có một trong các yếu tố trên thì có thể xem xét phân chia thừa kế theo pháp luật.

Công ty Luật Xuân Trí xin chân thành cảm ơn quý độc giả đã đọc qua bài viết này. Quý độc giả có nhu cầu tư vấn về quyền thừa kế, tranh chấp về di sản thừa kế….

Xin vui lòng liên hệ Công ty thông qua Số điện thoại: 0983241131 hoặc 0968567816 và email: congtyluatxuantri@gmail.com để được hỗ trợ tư vấn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *